Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
1
6
4
4
5
Tin tức sự kiện 05 Tháng Mười Hai 2014 2:50:00 CH

Hãy nỗ lực tăng cường vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong đời sống xã hội

 

Các em học sinh tại trường Chuyên biệt Ánh Dương luôn được quan tâm, chăm sóc

Thế giới hiện có hơn 7 tỷ người thì có tới gần 15% dân số là người khuyết tật. Nâng cao nhận thức về sự tham gia của người khuyết tật cũng như nỗ lực, quyết tâm xóa bỏ các rào cản, mở ra những cánh cửa hướng tới một xã hội hòa nhập đầy đủ và một sự phát triển toàn diện cho mọi người không chỉ là mục tiêu được đặt ra mà còn là trách nhiệm chung của toàn nhân loại.

Với Nghị quyết 47/3 ngày 14/10/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã công bố ngày 3/12 hàng năm là Ngày quốc tế người khuyết tật. Với nhiều hoạt động được tổ chức sôi nổi trên khắp hành tinh, ngày kỷ niệm này nhằm hướng tới mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ về các giá trị, quyền và phúc lợi của người khuyết tật; bên cạnh đó, còn nâng cao nhận thức về sự tham gia của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.

Tại khắp nơi trên thế giới, một tỷ người khuyết tật đang phải đối mặt với những rào cản về thể chất, xã hội, kinh tế và tâm lý vốn luôn cản trở họ tham gia đầy đủ và hiệu quả vào đời sống xã hội một cách bình đẳng với những người khác. Những người khuyết tật vẫn thường không được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, việc làm, y tế, các hệ thống hỗ trợ xã hội và pháp lý.

Không thể phủ nhận rằng, những người khuyết tật nhìn chung đều là những người có sức khỏe kém hơn, có mức độ giáo dục thấp hơn và có tỷ lệ nghèo cao hơn so với người không khuyết tật. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu vắng các dịch vụ hỗ trợ song lại tồn tại quá nhiều trở ngại mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Những trở ngại rất nhiều và đa dạng, một số có liên quan đến môi trường thể chất của con người, và một số phát sinh từ hệ thống chính sách pháp luật, và một số khác bắt nguồn từ những thói quen và thái độ của cộng đồng và các vấn đề phân biệt đối xử.

Theo Liên hợp quốc, những người khuyết tật thường có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực cao hơn rất nhiều so với những người khác:

- Trẻ em khuyết tật có nhiều khả năng bị lạm dụng hơn gấp 4 lần so với trẻ em không bị khuyết tật.

- Người trưởng thành khuyết tật có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực cao hơn 1,5 lần so với những người không khuyết tật.

- Người trưởng thành có những vấn đề về sức khỏe tâm thần có nhiều khả năng bị bạo hành hơn gần 4 lần so với những người khác.

Chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như sự thiếu hiểu biết về vấn đề khuyết tật đã, đang và sẽ tiếp tục làm tăng nguy cơ khiến cho người khuyết tật trở thành nạn nhân của bạo lực.

Thực tế đã cho thấy rằng, khi các rào cản đối với sự hòa nhập của người khuyết tật được loại bỏ và họ được khuyến khích tham gia một cách đầy đủ vào đời sống thì toàn xã hội sẽ được hưởng lợi ích toàn diện. Những trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực tới chính những người bị thiệt thòi này mà còn gây tổn hại cho toàn xã hội và vì vậy, việc mở ra những khả năng tiếp cận toàn diện là cần thiết để đạt được tiến bộ và phát triển cho tất cả mọi người.

Việt Nam hiện có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số. Trong những năm tới, tỷ lệ người khuyết tật tại Việt Nam có xu hướng tăng lên. Đây là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Nhiều người khuyết tật vẫn phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập với cộng đồng và thường phải sống bên lề của xã hội.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ và tạo điều kiện về mọi mặt đối với người khuyết tật, bảo đảm cho người khuyết tật thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng và cơ hội phát triển vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Cùng với đó, người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội học văn hóa, học nghề, tìm kiếm việc làm theo khả năng của mình; được tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí… qua đó họ có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Chính phủ Việt Nam đã ký Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2007 và phê chuẩn công ước này vào đầu năm 2014. Bên cạnh đó, sự ra đời của Luật Người khuyết tật và Đề án Quốc gia trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 cũng đã đánh dấu một bước tiến lớn trong cam kết của Chính phủ trong việc tiến tới phê chuẩn Công ước.

Hưởng ứng Ngày quốc tế người khuyết tật năm nay, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động trên khắp các địa phương như: Tổ chức hội chợ triển lãm với mục đích giới thiệu những sản phẩm độc đáo và đa dạng do chính người khuyết tật sản xuất; tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm cho người khuyết tật giúp hàng trăm người khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm ổn định trong khả năng, năng lực và sức khỏe phù hợp; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao...  

BBT(BT)

 


Số lượt người xem: 3825    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày