Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
8
1
2
6
4
Tin tức sự kiện 22 Tháng Giêng 2016 9:05:00 SA

Hơn 600 người tham gia hội nghị triển khai Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND

 

Trong 2 ngày 14, 15/01, UBND quận đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND, Luật tổ chức chính quyền địa phương cho hơn 600 người là Trưởng - Phó các phòng ban, các đơn vị trực thuộc quận; lực lượng tuyên truyền viên pháp luật, thành viên Ban công tác Mặt trận quận, phường; Trưởng - Phó các khu phố, Tổ trưởng - tổ phó tổ dân phố thuộc 80 khu phố trên địa bàn quận.

Luật sư Dương Quang Thọ triển khai tại hội nghị

Tại Hội nghị, Luật sư Dương Quang Thọ - Nguyên Trưởng Phòng Tuyên truyền Sở Tư pháp thành phố đã trình bày các nội dung gồm Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND, Luật tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản có liên quan. Theo đó, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương, 143 điều. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Những nội dung mới đáng chú ý trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương là: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính đều phải có HĐND và UBND; chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống ở cấp huyện đến cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn; HĐND cấp tỉnh được bầu từ 50 đến 95 đại biểu (tăng 10 đại biểu so với trước đây), HĐND cấp huyện được bầu từ 30 đến 40 đại biểu, HĐND cấp xã được bầu từ 15 đến 35 đại biểu; thay chức danh Ủy viên thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh Phó Chủ tịch HĐND; Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, các Ủy viên là Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng của HĐND tỉnh; Chánh Văn phòng HĐND tỉnh phải là đại biểu HĐND tỉnh và được HĐND cấp tỉnh bầu; Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, các Ủy viên là Trưởng các Ban của HĐND cấp huyện; Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND; HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội. 

Về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp, Thường trực HĐND các cấp. Ngày bầu cử theo quy định là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Cụ thể, đối với ngày bầu cử nhiệm kỳ 2016 - 2021 là ngày 22/05/2016. Cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử… Đồng thời Luật sư cũng đã hướng dẫn và trả lời cụ thể những tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức bầu cử.                                                                

 

Quốc Khoa (BT)


Số lượt người xem: 2386    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày