Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
1
1
5
9
4
Văn hóa xã hội 14 Tháng Sáu 2017 4:45:00 CH

Đồng chí Phạm Văn Chiêu - một chiến sĩ cách mạng trung kiên gắn bó với vùng đất Gia Định

  Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh ngày 16 tháng 6 năm 1907, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Hòa, xã Long Thạnh  Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh). Với tư chất thông minh và hiếu học, năm 19 tuổi đồng chí tốt nghiệp xuất sắc Trường Sư phạm Sài Gòn và làm nghề dạy học tại Gò Vấp. Vốn là người học cao, hiểu rộng và yêu quê hương, đất nước.

Phạm Văn Chiêu nhanh chóng tiếp thu tư tưởng tiến bộ của Chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ lý tưởng Cộng sản và trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1944. Cả cuộc đời đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc; là một tấm gương về đạo đức cách mạng. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí luôn gắn bó với vùng đất Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong suốt 16 năm dạy học (từ 1936 - 1942), Thầy Bảy Chiêu (tên thường gọi của đồng chí Phạm Văn Chiêu) đã đem hết tâm lực truyền bá cho học sinh về tình yêu quê hương, đất nước. Năm 1942, do tham gia những hoạt động yêu nước, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở bót Catina, Khám lớn Sài Gòn, rồi đày đi Biên Hòa. Trong tù, Ông có dịp tiếp xúc với những bạn tù là những người yêu nước, đảng viên cộng sản và tiếp thu sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin.

Năm 1944, ngay sau khi ra tù, Thầy Bảy Chiêu đã liên lạc được với tổ chức, liên tục hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Vốn có uy tín lớn trong giới trí thức, học sinh, thanh thiếu niên, đồng chí Phạm Văn Chiêu có điều kiện cùng các đồng chí của mình nhanh chóng tổ chức, tập hợp lực lượng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Mặt trận Việt Minh và của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Gia Định, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh đã bùng nổ đồng loạt và thành công rực rỡ. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, đồng chí Phạm Văn Chiêu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính lãnh đạo nhân dân đứng lên cướp chính quyền, thay mặt Ủy ban tuyên bố chính quyền trong toàn tỉnh thuộc về tay Nhân dân. Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Định được thành lập và ra mắt đồng bào, đồng chí Phạm Văn Chiêu được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, chịu trách nhiệm điều hành chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh Gia Định. Những ngày sau cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã cùng các đồng chí trong đơn vị làm việc ngày, đêm với niềm hân hoan, phấn khởi và nghị lực lớn.

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp núp sau lưng quân Anh - Ấn đã trở mặt gây hấn xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả Nam Bộ bắt đầu, trong đó Sài Gòn - Gia Định là nơi phải đương đầu trực tiếp và chịu đựng những thử thách khắc nghiệt nhất ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với cả nước, vùng đất Sài Gòn - Gia Định đã từng bước hình thành lực lượng vũ trang nhằm chống lại âm mưu bình định Nam Bộ của thực dân Pháp. Để đảm bảo mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, với tầm nhìn bao quát, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã đề đạt sáng kiến và được Ủy ban Kháng chiến - Hành chính đồng ý, quyết định thành lập Chiến khu An Phú Đông, bao gồm 02 xã An Phú Đông và xã Thạnh Lộc (nay là 3 phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông thuộc Quận 12), nơi đây chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 5 cây số.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Chiến khu An Phú Đông đã lập nên những chiến công hào hùng, viết lên những trang sử vẻ vang, một dấu son đỏ thắm, một cột mốc quan trọng, một biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần quật khởi của Nhân dân Sài Gòn - Gia Định. Từ tháng 9 năm 1945 đến đầu năm 1952, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Phạm Văn Chiêu luôn cùng tập thể Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Định lãnh đạo cuộc kháng chiến giành nhiều thắng lợi to lớn…

Năm 1954, đồng chí Phạm Văn Chiêu tập kết ra Bắc và tiếp tục giữ những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước; dù ở vị trí nào, đồng chí cũng cống hiến hết sức mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bản thân đồng chí luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống giản dị, liêm khiết, trong sạch, gương mẫu, thủy chung. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Văn Chiêu trở về miền Nam - về với Sài Gòn - Gia Định, vùng đất thân thương gắn liền với tuổi thơ và một thời oanh liệt của tuổi trẻ; vùng đất đã vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu - Thành phố Hồ Chí Minh. Dù đã tuổi cao, sức yếu đồng chí vẫn cùng Đảng bộ và chính quyền địa phương bàn bạc xây dựng phương án phát triển kinh tế, củng cố tổ chức đảng, chính quyền, xây dựng phong trào văn hóa - xã hội - giáo dục, xây dựng nhà truyền thống và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; hăng hái tham gia hoạt động xã hội, giữ vững vai trò người cán bộ lão thành cách mạng, người đảng viên gương mẫu. Là người con của vùng đất Gia định - TP. Hồ Chí Minh, đồng chí luôn gắn bó máu thịt và cống hiến toàn bộ sức lực cho quê hương, góp phần xây dựng và hun đúc truyền thống cách mạng vùng căn cứ chiến khu An Phú Đông – Vườn Cau Đỏ Anh hùng.

Tri ân sự cống hiến của đồng chí Phạm Văn Chiêu, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 12 đã xây dựng một ngôi trường tiểu học trên vùng chiến khu xưa và vinh dự đặt tên Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (phường An Phú Đông). Trong khuôn viên trường, tượng đồng chí Phạm Văn Chiêu được đặt trang trọng, để ngày ngày các em học sinh có dịp đến viếng và ghi nhớ công lao Người cách mạng một đời vì nước, vì dân; một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng.

Hằng năm, cứ vào ngày mùng 4 Tết, Quận ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 12 long trọng tổ chức ngày Họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông; qua đó ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương, tri ân những anh hùng liệt sĩ, những đồng chí lão thành cách mạng - những người đã gửi trọn đời mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Tiến tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đồng chí Phạm Văn Chiêu (16/6/1907 - 16/6/2017), Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Quận 12 ra sức phấn đấu xây dựng Quận 12 trở thành quận văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Tinh thần cách mạng của Phạm Văn Chiêu, đạo đức cách mạng của Phạm Văn Chiêu mãi mãi là tấm gương sáng ngời trong lòng Nhân dân Sài Gòn - Gia Định, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận 12; là niềm tự hào của quê hương Chiến khu An Phú Đông - Vườn Cau Đỏ Thạnh Lộc, Thạnh Xuân Anh hùng.

BTG


Số lượt người xem: 1395    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày