Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
3
9
9
0
7
7
9
Tin tức sự kiện 02 Tháng Mười Hai 2010 8:35:00 SA

Kỷ niệm 70 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940-23/11/2010): Các tỉnh Nam Bộ và Sài Gòn trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Nam kỳ, theo kế hoạch đã thống nhất, đêm 22 rạng sáng 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, Quân khởi nghĩa từ Sài Gòn đến các nơi như Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Biên Hòa, Thủ Dầu Một và nhiều nơi khác đã đồng loạt nổi dậy chiến đấu quyết liệt với địch.

 

Tại Chợ Lớn: Đã huy động quân khởi nghĩa tại chỗ, tổ chức thành 2 lực lượng. Một lực lượng phục kích dọc đường Đông dương 16 và tham gia nổi dậy ở Sài Gòn, một bộ phận nổi dậy tại chỗ, các lực lượng khác nổi dậy ở Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, trung bình mỗi huyện có từ 300 đến 500 người, đã diễn ra gần như đồng loạt khắp các quận huyện. Lính ngụy quyền một số xã ở cơ sở bị tan rã hoặc tê liệt… Quân khởi nghĩa đã thu được nhiều loại súng đạn.
Tại Gia Định: Đã huy động lực lượng quân khởi nghĩa Gò Vấp đồng loạt tấn công địch ở các đồn như Lăng Cha Cả, Bà Điểm, Phú Lâm, Bình Thới, Vườn Tiêu (Tân Sơn Nhất) và các hướng về quận lỵ Hóc Môn; chiếm giữ đồn Ngã 5 Vĩnh Lộc và một số nơi khác…
Tại Hóc Môn: Đã huy động tổng lực quân khởi nghĩa và lực lượng lớn quần chúng tham gia cùng với lực lượng nghĩa quân 4 tổng đã chia thành 4 mũi nổi dậy tấn công thẳng vào dinh quận trưởng. Nghĩa quân đã tấn công áp sát vào đồn Hóc Môn lúc 12 giờ đêm ngày 22/11/1940, là nơi ở của tên Bùi Ngọc Thọ quận trưởng, giết chết một số lính gác. Quân khởi nghĩa 4 phía đã nổi dậy tấn công vào đồn địch như nước vỡ bờ, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt, cờ đỏ sao vàng xuất hiện được treo lên trước sân đồn địch, động viên tinh thần chiến đấu của nghĩa quân và quần chúng kịp thời. Đặc biệt lực lượng quần chúng nhân dân Hóc Môn với búa, rìu, trống mõ, phèng la… nổi dậy đồng loạt đốt phá nhiều trụ sở làng xã, tiến công và đánh địch – Bọn lính trong đồn mất tinh thần kháng cự, mạnh ai nấy chạy trốn. Quân khởi nghĩa làm chủ quận lỵ Hóc Môn trong 4 giờ liền, thu 14 súng các loại. Rạng sáng ngày 23/11/1940, những nơi quân khởi nghĩa thành công, nhân dân phấn khởi, hoạt động nhộn nhịp hẳn lên, cờ đỏ – búa liềm tung bay khắp nơi…
Tại Tây Ninh: Nghĩa quân ta cùng quần chúng nhân dân nổi dậy chặt cây, đào đường ngăn chặn giao thông trên đường số 22 ở Bàu Bàng, Truông Mít, các lực lượng tự vệ tham gia canh gác, tuần tra và chiến đấu chống địch càn quét. Lực lượng quần chúng bố trí nơi ăn ở và tiếp tế lương thực cho các bộ phận nghĩa quân ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định kéo lên…
Ở Thủ Dầu Một: Do ông bí thư tỉnh ủy Hồ Văn Cống chỉ đạo, cùng với một số xứ ủy viên cơ sở nằm trong các đồn điền cao su, quân khởi nghĩa tấn công địch ở Châu Thành, Bến Cát, Lái Thiêu. Các lực lượng du kích cùng với công nhân cao su chặt cây, cắt dây điện thoại, rải truyền đơn, phá đường, mít tinh và tấn công địch, đánh chiếm một số đồn nhỏ lẻ…
Ở Vĩnh Long: Quân khởi nghĩa đã nổi dậy đánh chiếm quận lỵ Vũng Liêm trong đêm 23/11/1940, thu được nhiều súng đạn. Đồng thời tiến đánh cướp chính quyền ở 7 xã Quới Thiện, Cù Lao và một số xã khác… Cờ đỏ sao vàng đã tung bay suốt 10 ngày.
Nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị lộ, nên kế hoạch thực hiện không được thống nhất. Thực dân Pháp đã bố trí lực lượng đối phó, đàn áp từ trước. Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, hàng loạt cán bộ xứ ủy, tỉnh ủy và các cấp đã bị bắt như các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến… Trước những hành động khủng bố khốc liệt của địch, các đội nghĩa quân sau khi đã chiến đấu anh dũng buộc phải rút lui về những hậu phương thuận lợi và những nơi phong trào cách mạng phát triển để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị tiếp theo cho các cuộc đấu tranh sau này…
Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là khúc ca hùng tráng trong cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn Gia Định, đặc biệt là nhân dân quận lỵ Hóc Môn… Đây là bước thử thách, đấu tranh khởi nghĩa vô cùng ác liệt để cho cán bộ, đảng viên tích lũy thêm được kinh nghiệm, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh tổng khởi nghĩa thắng lợi vẻ vang vào tháng 8 năm 1945.
 
Tin, ảnh:  Lê Thanh Sơn

 


Số lượt người xem: 3985    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày