Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
3
9
9
0
6
8
6
Tin tức sự kiện 24 Tháng Giêng 2011 10:30:00 SA

Tiếp bước hành trình...theo chân Bác

(Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước; 70 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạnh Việt Nam)

 

1. Từ thành phố này Người đã ra đi...
Ngày 03/06/1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba xin làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), một tàu lớn vừa chở hàng vừa chở khách của hãng Năm Sao đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), Pháp.
Ngày 05/06/1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước.
Về mục đích ra đi của mình, năm 1923 Người đã trả lời một nhà báo Nga rằng:
“Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy” Báo Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923. Một lần khác trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” Báo Nhân dân, ngày 18-5-1965.
Quyết định của Nguyễn Tất Thành sang phương Tây tìm đường cứu nước đã để lại cho chúng ta một bài học lớn: "Sự sống còn của một sự nghiệp, một dân tộc được định ở quyết tâm vượt qua, vượt lên chính mình.”...
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, với cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục, gần 30 quốc gia. Trên những đoạn đường gập ghềnh, đầy chông gai, thách thức của hành trình tìm đường cứu nước, ở Hồ Chủ tịch luôn bật dậy sự mẫn cảm, nhạy bén, cách xử lý đầy tính sáng tạo, khéo léo, kiên nhẫn và biết chờ đợi thời cơ để đạt cho được mục đích của mình. Chính năng lực trí tuệ tuyệt vời, lòng tự tin và tính tự quyết của Người được xây dựng trên nền truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt qua bao sóng gió, thử thách, gian lao, giúp Người luôn giữ vững lòng thuỷ chung, son sắt với Tổ quốc, với nhân dân. Nguyễn Ái Quốc đã từng bước tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, những kinh nghiệm quý làm hành trang trong quá trình tìm đường cứu nước. Bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng yêu nước của Người có bước nhảy vọt về chất - trở thành tư tưởng của người cộng sản, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế vô sản và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cũng từ quá trình đó, bản lĩnh, chí khí của người thanh niên yêu nước có chí căm thù giặc đã trở thành bản lĩnh chính trị của người cộng sản chân chính. Bản lĩnh ấy đã đưa Người vượt hẳn lên phía trước so với những người yêu nước đương thời. Người trực tiếp chuẩn bị mọi mặt để xây dưng chính đảng Mác xít ở Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3/2/1930 với đường lối Cách mạng đúng đắn do Người vạch ra đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của Cách mạng Việt Nam trong đầu thế kỷ 20.
2. Bao năm ước mong đón Bác trở về…
Ngày 28/01/1941 tại Cột mốc 108 Bác Hồ đã trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã chọn Pác Bó - Cao Bằng là nơi dừng chân đầu tiên khi trở về để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc.
"Bác đã về đây, Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi !" (Tố Hữu)
Ngày đầu tiên đồng chí Lê Quảng Ba đưa ông Ké (“ông ké”- theo tiếng địa phương có nghĩa là cụ già - là cách gọi Bác Hồ một cách thân thiện của người dân Pác Bó) về nghỉ tại nhà ông Lý Quốc Súng dân tộc Nùng. Nhà có hai gian cũ và làm thêm một gian mới để đón khách, khách và chủ cùng quây quần bên mân cơm ngày Tết của gia đình họ Lý. Sau bữa cơm chủ nhà đã thu xếp chỗ ăn ở và làm việc cho đoàn cán bộ nhưng ông Ké bảo Lê Quảng Ba: Ta có nhiều người, ở lại nhà ông Lý làm phiền chủ nhà quá, thôi nên dứt khoát “sáu sán” thôi.
Sáng sớm hôm sau ông Lý dẫn ông Ké và mấy anh em cán bộ lên hang Cốc Bó. Trước cảnh sắc một sáng mùa xuân của Tổ quốc Bác đã sáng tác bài thơ Pác Bó hùng vĩ :
Non xa xa, nước xa xa.
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác.
Hai tay xây dựng một sơn hà.
(Hồ Chí Minh, Toàn tập, t3, tr.195, Nxb. CTGQ, H.2009)
Mảnh đất Pác Bó được chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng, hang Cốc Bó làm trụ sở chỉ huy. Từ ngày 08/02/1941, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu, đến ở hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là hang Đầu nguồn). Hang có lối ăn thông ra một con đương dẫn sang bên kia biên giới, có thể rút lúi khi bị lộ. Phía dưới, cách cửa hang chừng 50m có con suối nước rất trong được Nguyễn Ái Quốc đặt tên là “Suối Lênin”. Một ngọn núi cao bên bờ suối được Người đặt tên là “Núi Các Mác”. Tên suối và tên núi thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Như vậy, làng Pác Bó (xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Pác Bó với ngọn núi Các Mác sừng sững, với con suối Lênin trong xanh đã gắn liền với sự nghiệp và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ, người cha già kính yêu của dân tộc. Tại đây, ngoài những giờ làm việc, với bộ quần áo Nùng bạc màu, chiếc mũ vải và đôi hài bằng lá mo, Người thường đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện với nhân dân làng Pác Bó, giải thích cho họ hiểu nguyên nhân của sự khổ cực, động viên họ tham gia vào mặt trận. Hình ảnh của “Ông Ké”, “Già Thu” đã in đậm trong lòng của người dân Pác Bó những ngày đầu cách mạng khi Người sống và làm việc tại đây.
Ở hang Cốc Bó hơn một tháng Bác cho cán bộ chuyển cơ quan sang lán Khuổi Nậm (suối nước), địa điển này tiện lợi đi lại không phải lội qua suối, nếu có động dễ thoát nhanh chóng. Tại đây Bác triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941, tại lán Khuổi Nậm (Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng).
Hội nghị đã đề ra chủ trương, nhiệm vụ mới cho cách mạng Việt Nam, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là Hội nghị có tầm quan trọng lịch sử, quyết định đường lối chính sách của Đảng, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn dân; đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng các căn cứ địa cách mạng, xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa. Cũng tại nơi đây, người đã sáng lập ra tờ báo “Việt Nam độc lập” tờ báo đầu tiên của Mặt trận Việt Minh. Sau Hội nghị Bác tự tay thảo ra bức thư "Kính cáo đồng bào” ký tên Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào,toàn dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đây phong trào cách mạng ngày càng lan rộng trong chiến khu Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ dân tộc ta liên tiếp giành được thắng lợi vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 2011 này cả nước chúng ta long trọng kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, và mùa xuân này tròn 70 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong chúng ta, "Ai đã đến, ai chưa đến đó/ Có hòn núi Mác, suối Lênin/ Hãy về thăm quê ta Pác Bó/ Nơi Bác về, nguồn nước mới sinh." (Tố Hữu) để có thêm nghị lực và quyết tâm tiếp tục hành trình Người đã chỉ dẫn cho dân tộc: "thắng đế quốc phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t10, tr.4, Nxb. CTGQ, H.2009).
Năm 2011 cũng là năm khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới đối với việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu; vượt qua những thách thức của thời cuộc đối với chúng ta nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân và cho chính mỗi người, từ đó, góp phần vào xây dựng Thành phố mang tên Bác đàng hoàng hơn, to đẹp hơn đúng như Người hằng mong đợi.
Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mỗi người cần nghiên cứu sâu sắc hơn những nội dung tư tưởng, đạo đức và bản lĩnh chính trị của Người, khắc sâu hơn tấm gương sáng ngời của người cách mạng chân chính, vĩ đại. Trước những khó khăn, thách thức của thời đại, trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, trước những cám dỗ vật chất tầm thường trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có thể tìm thấy ở tấm gương ấy, bản lĩnh ấy một bài học sâu sắc, bổ ích để soi lại mình; đồng thời, cũng tìm thấy ở Người nguồn khích lệ, động viên, thôi thúc để tiếp bước theo con đường cách mạng của Người đã chọn với niềm tin tất thắng.
 
 
Tin, ảnh: BBT

Số lượt người xem: 5233    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày