Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
1
9
7
6
6
Tin tức sự kiện 22 Tháng Tám 2012 9:10:00 SA

Người thầy tận tâm của các em cơ nhỡ

 

Khi đến UBND phường An Phú Đông hỏi thăm anh Nguyễn Ngọc Châu, tôi được người dân nơi đây hồ hỡi, vui vẻ chỉ dẫn với một sự tin yêu, cảm mến dành cho anh. Gặp anh, với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, hoạt bát. Anh tâm sự: việc dạy lớp học tình thương cho trẻ em nghèo trong phường đó là niềm vui và cũng là mong muốn của Châu để được chia sẻ trách nhiệm của người trẻ đối với địa phương mình, giờ đây niềm đam mê, trách nhiệm với những học trò nghèo quê mình là cách tốt nhất để ánh sáng tri thức thêm lan tỏa.
Được biết, anh Châu vừa tốt nghiệp Đại học tại chức ngành Luật, và cũng vừa được chuyển công tác từ Phó Bí thư Đoàn phường sang Khối vận của phường được một năm nay. Vẫn biết công tác khối vận ở phường là rất nhiều việc, nhưng vào 3 ngày trong tuần, sau giờ làm việc tại cơ quan, anh tất bật với 5 lớp tình thương của phường do mình phụ trách. Trước đây, do thiếu giáo viên phụ trách các lớp nên tất cả các ngày trong tuần anh đều đến với các lớp học tình thương của phường. Học trò đến đây học không phải đóng học phí, thầy giáo đứng lớp cũng không có lương, mà đôi khi thầy còn phải bỏ tiền túi để mua tập vở, dụng cụ học tập cho các em. Thầy còn đến tận nhà để “dụ” các em mỗi tối tranh thủ đến với lớp học. Nhiều bà con trong khu phố thương thầy Châu hiền lành tốt bụng nên thỉnh thoảng ủng hộ cho lớp khi thì cuốn tập, lúc thì cây viết… có người mang tặng thầy trò mỗi ngày một bình trà đá như cách động viên người thầy giáo trẻ này.
Ở lớp học của thầy giáo không chuyên này, học trò đủ thành phần, lứa tuổi với nhiều mảnh đời khác nhau, nhiều ước mơ khác nhau… nhưng trên hết vẫn là khát vọng vươn lên, khao khát được biết chữ như mọi người. Để rồi mỗi khi có ai hỏi, các em đều có thể đánh vần tên mình. Hầu hết các em là dân nhập cư, ba mẹ lo kiếm sống rày đây mai đó, nên hầu như không thể lo cho con đến trường. Một số em đã từng đến trường nhưng giờ phải nghỉ học để đi bán vé số, đánh giày, nhặt ve chai… kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống hằng ngày. Cũng có em người tại địa phương, có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải vào đời kiếm sống, nhưng ở các em đều ham học hỏi. Nhiều em ham học đến nỗi tới giờ về cũng không muốn về, muốn thầy Châu dạy bài mới, dạy viết chữ mới, và cũng từ những cái “muốn” đáng yêu ấy của các em học trò thân thương của mình mà hơn 6 năm qua, anh vẫn miệt mài đến với lớp, với từng em. Nụ cười hiền lành nhưng ánh mắt nghiêm khắc, thầy Châu đã rèn biết bao em nghịch ngợm, cứng đầu thành trẻ ngoan, và cũng chính từ lớp học bé nhỏ này đã thắp lên niềm hy vọng. Không hề có tiếng trống trường nào điểm lên, nhưng những đứa trẻ vẫn hớn hở đến lớp đúng giờ với thái độ nghiêm túc. Khi được hỏi về cảm giác khi đến lớp, nhiều em vui vẻ đáp: “Chúng em vui lắm! Đến đây có nhiều bạn, lại được thầy Châu dạy tập đọc, tập viết và làm các phép tính nên chúng em muốn ngày nào cũng được đến lớp”. Một em còn nhanh nhảu khoe: “Con biết viết rồi đó! Hôm bữa về nhà con viết được cả tên của mẹ và em trai con luôn”.
Ngoài ra, máu của người đoàn viên vẫn sôi sục trong anh, anh vẫn luôn nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động đoàn của đơn vị và địa phương, anh còn là một cộng tác viên dân số nhiệt tình, cởi mở và hướng dẫn tận tình đến từng người dân trong khu phố, trong phường nơi anh cư trú. “Hãy một lần đừng chọn việc nhẹ nhàng, một lần sống vì mọi người để cuộc sống này ngày càng tốt đẹp hơn” - đó chính là lý tưởng sống của anh Nguyễn Ngọc Châu, người thanh niên có lý tưởng sống tốt đẹp và trên hết là vì cộng đồng.
Bài, ảnh: Anh Thư

Số lượt người xem: 4648    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày