Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
2
7
2
4
1
6
Tin tức sự kiện 28 Tháng Mười Hai 2012 4:40:00 CH

Hướng dẫn tạm thời giải quyết cấp phép xây dựng theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ về cấp Giấy phép xây dựng.

 

Căn cứ Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ Quy định về cấp phép xây dựng (Nghị định số 64), Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 07/12/2012 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Công văn số 5201/UBND-ĐTMT ngày 11/10/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng.
Xét đề xuất của Trưởng phòng Quản lý đô thị tại Báo cáo số     /BC-QLĐT ngày    /12/2012 về giải quyết hồ sơ cấp Giấy phép xây dựng theo Nghị định 64.
Nay Ủy ban nhân dân Quận 12 thống nhất chủ trương thực hiện giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng trong thời gian chưa có hướng dẫn thực hiện của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố như sau:
I. Nội dung thực hiện:
1. Cơ sở quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để áp dụng cấp phép xây dựng:
Căn cứ Điều 5- Nghị định 64, điều kiện để được xem xét cấp phép xây dựng là phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, tình hình thực tế trên địa bàn quận hiện nay chỉ cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Căn cứ Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 07/12/20122 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, theo đó lùi thời điểm áp dụng Điểm b, Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 64/2012/NĐ-CP đến ngày 01/07/2013.
Theo Công văn số 5201/UBND-ĐTMT ngày 11/10/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố, trong thời gian chưa lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị sẽ áp dụng quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt, Quyết định số 135/2007/QĐ-UBND ngày 08/12/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Ban hành quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 45/2009/QĐ-UBND ngày 03/07/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 135//2007/QĐ-UBND ngày 08/12/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Ban hành quy định về kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở để căn cứ giải quyết cấp phép xây dựng.
Đối với các công trình không phải nhà ở riêng lẻ, trong quá trình giao đất, cấp giấy chứng nhận đã xem xét đến yếu tố quy hoạch của cơ quan quản lý quy hoạch. Do đó, căn cứ quy hoạch phân khu 1/2000 và Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam số 01:2008/BXD làm cơ sở để giải quyết cấp phép xây dựng.
2. Thành phần hồ sơ:
2.1. Cấp Giấy phép xây dựng:
2.1.1. Đối với nhà ở riêng lẻ:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
- Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Hai bộ bản vẽ thiết kế do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện và đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Mỗi bộ gồm:
a) Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất thể hiện ranh lộ giới, vị trí xây dựng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/200 hoặc 1/500, mặt bằng ranh giới lô đất, kèm họa đồ vị trí công trình có thể hiện số lô, ranh thửa đất và ranh lộ giới tỷ lệ 1/500 hoặc 1/1000, sơ đồ đấu nối với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào công trình (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước);
b) Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình;
c) Bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực).
Lưu ý: Theo Bản vẽ mẫu đính kèm.
2.1.2. Đối với công trình không phải nhà ở riêng lẻ:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
- Bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giấy tờ về quyền sở hữu công trình đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo; quyết định cho phép đầu tư xây dựng của cấp có thẩm quyền đối với công trình ngầm đô thị; quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Hai bộ bản vẽ thiết kế do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện và đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Mỗi bộ gồm:
a) Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất thể hiện ranh lộ giới, vị trí xây dựng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/200 hoặc 1/500, mặt bằng ranh giới lô đất, kèm họa đồ vị trí công trình có thể hiện số lô, ranh thửa đất và ranh lộ giới tỷ lệ 1/500 hoặc 1/1000, sơ đồ đấu nối với hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào công trình (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước);
b) Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chủ yếu của công trình;
c) Bản vẽ mặt bằng móng, mặt cắt móng, các bản vẽ kết cấu chịu lực chính (móng, khung, tường, mái chịu lực);
d) Bản vẽ hệ thống phòng cháy chữa cháy đã được thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt phương án phòng chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
2.1.3. Đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo thì phải có các bản vẽ về vị trí, hạng mục cần cải tạo, nếu có ảnh hưởng đến kết cấu công trình thì phải có báo cáo kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng kết cấu cũ liên quan đến các hạng mục cải tạo và các biện pháp gia cố xác định đủ điều kiện để sửa chữa, cải tạo, kèm theo ảnh chụp hiện trạng công trình xin phép cải tạo và công trình lân cận. Ngoài thành phần hồ sơ giấy tờ về quyền sử dụng đất phải có giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình khác.
2.1.4. Đối với trường hợp lắp đặt thiết bị hoặc kết cấu khác vào công trình đã xây dựng, nhưng không thuộc sở hữu của chủ đầu tư thì phải có bản sao có chứng thực Hợp đồng với chủ sở hữu công trình.
2.2. Cấp Giấy phép xây dựng tạm:
Ngoài thành phần như hồ sơ cấp phép xây dựng, Chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình (khi thời hạn ghi trong Giấy phép xây dựng tạm hết hạn và không yêu cầu bồi thường đối với phần công trình phát sinh sau khi quy hoạch được công bố) và được Ủy ban nhân dân phường nơi xây dựng công trình xác nhận. Trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
2.3. Điều chỉnh Thiết kế xây dựng:
2.3.1. Trong quá trình xây dựng, trường hợp có điều chỉnh thiết kế làm thay đổi một trong các nội dung dưới đây so với thiết kế đã được cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi xây dựng theo nội dung điều chỉnh:
a) Thay đổi hình thức kiến trúc các mặt ngoài của công trình;
b) Thay đổi một trong các yếu tố: Vị trí, cốt nền, diện tích xây dựng, quy mô, chiều cao công trình, số tầng và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính;
c) Khi điều chỉnh thiết kế công trình làm thay đổi công năng sử dụng và ảnh hưởng đến phòng cháy chữa cháy và môi trường.
2.3.2. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng bao gồm:
a) Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng trong đó nêu rõ lý do điều chỉnh;
b) Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp;
c) Các bản vẽ thiết kế liên quan đến phần điều chỉnh so với thiết kế đã được cấp phép xây dựng như mục 2.1;
d) Báo cáo kết quả thẩm định và văn bản phê duyệt thiết kế điều chỉnh (trừ nhà ở riêng lẻ) của chủ đầu tư, trong đó phải có nội dung đảm bảo an toàn chịu lực; an toàn phòng chống cháy nổ; bảo đảm môi trường. Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế (nếu có) do tổ chức tư vấn có đủ điều kiên năng lực theo quy định thực hiện.
Mỗi công trình chỉ được đề nghị điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp 01 lần. Trường hợp điều chỉnh từ 02 lần trở lên thì phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới theo quy định.
Lưu ý: Đối với công trình được cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định 68/2010/QĐ-UBND ngày 14/09/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố, nay chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh thiết kế xây dựng thì chủ đầu tư phải bổ sung thêm bản vẽ kết cấu chính công trình kèm Báo cáo kết quả thẩm định của đơn vị có chức năng.
2.4. Gia hạn giấy phép xây dựng:
Trong thời hạn 30 ngày, trước thời điểm giấy phép xây dựng hết hạn, nếu công trình chưa được khởi công, thì chủ đầu tư phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng. Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn một lần. Thời gian gia hạn tối đa không quá 6 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư chưa khởi công xây dựng thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới.
Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng, trong đó giải trình rõ lý do chưa khởi công xây dựng;
b) Bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp.
Đối với công trình được giấy phép xây dựng tạm đã hết thời hạn tồn tại ghi trong giấy phép, nhưng Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch thì chủ đầu tư được đề nghị cơ quan cấp phép để xem xét gia hạn thời gian tồn tại cho đến khi Nhà nước thực hiện quy hoạch. Thời hạn tồn tại được ghi ngay vào giấy phép xây dựng tạm đã được cấp.
Lưu ý: Đối với công trình được giấy phép xây dựng theo Quyết định 68/2010/QĐ-UBND ngày 14/09/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố, nay đã hết hiệu lực khởi công xây dựng thì không xem xét gia hạn mà phải lập hồ sơ cấp phép xây dựng mới theo Nghị định 64. Thành phần hồ sơ theo quy định phải có thêm bản chính Giấy phép xây dựng đã cấp và Bản vẽ đính kèm Giấy phép xây dựng.
2.5. Cấp lại giấy phép xây dựng:
- Giấy phép xây dựng được cấp lại đối với các trường hợp bị rách, nát, hoặc bị mất.
- Giấy phép xây dựng được cấp lại dưới hình thức bản sao.
- Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép xây dựng, trong đó giải trình rõ lý do đề nghị cấp lại;
b) Bản chính Giấy phép xây dựng đã được cấp (đối với trường hợp bị rách, nát).
2.6. Giấy phép di dời công trình:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép di dời công trình gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép di dời công trình.
- Bản sao có chứng thực giấy tờ về quyền sử dụng đất nơi công trình đang tồn tại và nơi công trình sẽ di dời tới và giấy tờ hợp pháp về sở hữu công trình.
- Bản vẽ hoàn công công trình (nếu có) hoặc bản vẽ thiết kế mô tả thực trạng công trình được di dời, bao gồm mặt bằng, mặt cắt móng và bản vẽ kết cấu chịu lực chính.
- Bản vẽ tổng mặt bằng địa điểm công trình sẽ được di dời tới.
- Bản vẽ mặt bằng, mặt cắt móng tại địa điểm công trình sẽ di dời tới.
- Báo cáo kết quả khảo sát đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình.
- Phương án di dời gồm:
a) Phần thuyết minh: Nêu được hiện trạng công trình và hiện trạng khu vực công trình sẽ được di dời tới; các giải pháp di dời, phương án bố trí sử dụng xe máy, thiết bị, nhân lực; các giải pháp bảo đảm an toàn cho công trình, người, máy móc, thiết bị và các công trình lân cận; bảo đảm vệ sinh môi trường; tiến độ di dời. Phương án di dời phải do đơn vị, cá nhân có điều kiện năng lực thực hiện;
b) Phần bản vẽ biện pháp thi công di dời công trình.
3. Biểu mẫu áp dụng:
3.1. Biểu mẫu Giấy phép xây dựng:
Giấy phép xây dựng thể hiện các nội dung chủ yếu sau:
- Tên công trình (thuộc dự án)
- Chủ đầu tư (tên chủ đầu tư, địa chỉ liên hệ).
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình, tuyến xây dựng công trình (đối với công trình theo tuyến).
- Loại, cấp công trình.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Hệ số sử dụng đất.
- Các yêu cầu về an toàn đối với công trình và công trình lân cận.
- Các yêu cầu về môi trường, phòng cháy chữa cháy, hành lang an toàn.
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài nội dung quy định tại các điểm nêu trên còn phải có nội dung về diện tích xây dựng tầng 1; tổng diện tích xây dựng tầng 1; tổng diện tích sàn xây dựng; số tầng bao gồm tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, gác xép, tum (nếu có); chiều cao tối đa công trình; màu sắc, chất liệu xây dựng công trình.
- Thời hạn khởi công xây dựng công trình: Chậm nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.
- Các yêu cầu đối với chủ đầu tư phải thực hiện trong quá trình xây dựng.
3.2 Biểu mẫu Đơn đề nghị cấp phép xây dựng, Đơn đề nghị cấp phép xây dựng tạm, Đơn đề nghị điều chỉnh thiết kế và Giấy cam kết phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy họach (đối với trường hợp cấp phép xây dựng tạm):
Trong thời gian chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về biểu mẫu ban hành kèm Nghị định 64, trước mắt vẫn áp dụng biểu mẫu Đơn đề nghị cấp phép xây dựng, Đơn đề nghị cấp phép xây dựng tạm, Đơn đề nghị điều chỉnh thiết kế và Giấy cam kết phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy họach ban hành kèm Quyết định 68/2010/QĐ-UBND để giải quyết hồ sơ.
4. Yêu cầu đối với Bản vẽ thiết kế xin phép xây dựng:
Bản vẽ thiết kế kiến trúc, kết cấu phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực thực hiện và đã được chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trường hợp chủ đầu tư không có điều kiện, năng lực thực hiện thì phải được đơn vị có chức năng thẩm định trước khi nộp hồ sơ xin phép xây dựng. Nội dung thẩm định được quy định tại Điểm a, Điều 18- Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Kết quả thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau:
- Sự phù hợp của thiệt kế kỹ thuật với thiết kế cơ sở.
- Sự hợp lý của các giải pháp kết cấu công trình.
- Sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng được áp dụng.
- Đánh giá mức độ an toàn công trình.
5. Thời gian cấp Giấy phép xây dựng:
- Đối với nhà ở riêng lẻ: 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đối với công trình không phải nhà ở riêng lẻ: 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
II. Phân công thực hiện:
1. Văn phòng Ủy ban nhân dân quận: Căn cứ thành phần hồ sơ theo quy định trên để tổ chức tiếp nhận hồ sơ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu. Niêm yết công khai văn bản này và Bản vẽ thiết kế mẫu tại nơi tiếp nhận.
2.Phòng Quản lý đô thị: Tham mưu Ủy ban nhân dân quận cấp Giấy phép xây dựng và kiểm duyệt đối với Bản vẽ kiến trúc đính kèm Giấy phép xây dựng.
3. Thanh tra Xây dựng quận, phường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra việc xây dựng trên cơ sở các căn cứ quy định tại Nghị định 64 và các nội dung theo Giấy phép xây dựng.
4. Ủy ban nhân dân phường: Niêm yết công khai văn bản này tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường và thông báo rộng rãi cho nhân dân được biết. Hàng quí tổng hợp, báo cáo các trường hợp khởi công xây dựng đối với Giấy phép xây dựng đã cấp theo Nghị định 64 báo cáo Ủy ban nhân dân quận thông qua phòng Quản lý đô thị, Thanh tra Xây dựng quận để tổng hợp, kiểm tra, theo dõi và ban hành quyết định thu hồi khi hết thời hiệu khởi công được ghi trong Giấy phép xây dựng.
Văn bản này là hướng dẫn tạm thời để giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng trong giai đoạn chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị định 64 của Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân quận, đồng thời gửi Phòng Quản lý đô thị để tổng hợp, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

    Tin: Phòng QLĐT

Số lượt người xem: 5700    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày