1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận?
Trong Bài báo Dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, hợp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho”. “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. “Những người phụ trách dân dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh; “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành tập hợp, vận động, đoàn kết nhân dân, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng. Dân vận không chỉ là nói để nhân dân làm theo mà phải hành động vì lợi ích của nhân dân; dân vận không phải chỉ là việc của cơ quan dân vận mà cần được hiểu là nhiệm vụ chung của hệ thống chính trị, trong đó đặc biệt là hệ thống các cơ quan nhà nước, hệ thống chính quyền bởi vì dân vận không chỉ là nói để nhân dân làm theo mà còn hành động vì lợi ích của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, chăm lo nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nếu không làm tốt những vấn đề trên thì dù có nói bao nhiêu về dân vận cũng không đủ sức thuyết phục. Dân vận trong các cơ quan nhà nước được hiểu là thay đổi thói quen, nhận thức, sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ, cải cách thủ tục hành chính…Làm tốt dân vận là đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, không để xảy ra bức xúc làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân nào làm công tác dân vận?
Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết 25), trong đó
Quan điểm chỉ đạo cụ thể:
- Một là, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ.
- Hai là, động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích. Quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân. Những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
- Ba là, phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước phải phù hợp với lợi ích của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng noi theo.
- Bốn là, công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các đoàn thể nhân dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể tham mưu và nòng cốt.
- Năm là, nhà nước tiếp tục thể chế hóa cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” thành qui chế, qui định để các tổ chức trong hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.
Qua 5 quan điểm, Đảng ta xác định quan điểm thứ tư “công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các đoàn thể nhân dân, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể tham mưu và nòng cốt”.
3. Công tác dân vận trong tình hình mới phải tập trung vào những vấn đề gì?
- Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị và bối cảnh tình hình hiện nay, phải tập trung tiếp tục triển khai đồng bộ công tác dân vận của hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các tổ chức nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác dân vận.
- Thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền của các cơ quan Nhà nước, thực thi dân chủ, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả và phải kịp thời với sự thay đổi của xã hội và nhu cầu các tầng lớp nhân dân.
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, để người dân hiểu rõ, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luât của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân cũng như thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong khuôn khổ pháp luật.
- Sâu sát trong công tác nắm bắt, dự báo, đánh giá tình hình nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp, nhạy cảm, kịp thời tham mưu cấp ủy những chủ trương, giải pháp sát hợp với thực tiễn.
- Chú trọng khơi dậy, kích hoạt niềm tin từ mỗi công dân, đẩy mạnh dân vận qua mạng xã hội, thực hiện tốt phương châm “tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với nhân dân’; phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Lấy lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo, lấy sự ủng hộ của nhân dân làm chỗ dựa cho hành động và lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả.
4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân vận khéo” và vận dụng thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay là gì?
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực hiện lời dạy của Người, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị những năm qua đã được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được kết quả đó là phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đây là phong trào thi đua nét riêng trong công tác dân vận.
Thực tiễn cho thấy, để nhân dân hiểu, ủng hộ tham gia thực hiện đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động bằng phương thức phù hợp, hiệu quả gắn với nâng cao đời sống, giải quyết lợi ích thiết thực của nhân dân. Do vậy Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã trở thành phương thức quan trọng trong công tác vận động nhân dân. Từ những “cá nhân điển hình dân vận khéo”, mô hình “tập thể dân vận khéo” và nay đã có mô hình “gia đình dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tập hợp, động viên, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua yêu nước, việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội phát động, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là phong trào thi đua của cả hệ thống chính trị và phải trở thành phong trào sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, ở tất cả các ngành, trong mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Tùy vào đặc điểm cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để định hướng, lựa chọn, xác định nội dung phù hợp; chỉ đạo xây dựng mô hình “dân vận khéo” xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đối với công tác dân vận của Đảng; mô hình “dân vận khéo” phải hướng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị; vận động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Song song đó để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng lan tỏa rộng khắp, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quan tâm việc xây dựng tiêu chí bình xét, tuyên dương, khen thưởng, động viên phong trào và có nhiều giải pháp nhân rộng các điển hình, mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực.
5. Công tác dân vận của chính quyền trọng tâm là thực hiện nội dung gì?
- Tăng cường công tác tiếp công dân, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến Nhân dân; đề xuất chính sách sát với yêu cầu đời sống xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến cuộc sống Nhân dân.
- Thực hiện công tác dân vận thông qua việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực đời sống xã hội liên quan đến Nhân dân phải đúng, phù hợp pháp luật.
- Thực hiện công tác dân vận thông qua việc mở rộng xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp, hạ tầng kỹ thuật; phát huy vai trò tiềm năng của Nhân dân tham gia quản lý xã hội.
- Thực hiện nghiêm chế độ công vụ hành chính theo hướng phục vụ Nhân dân gắn cải cách hành chính với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định về thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ hệ thống cơ quan nhà nước. Tuyển dụng, bố trí, sắp xếp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân.
- Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử, phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện; tập trung giải quyết các bức xúc, khiếu nại của Nhân dân; kiên trì, xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém.
- Các cơ quan nhà nước chủ động phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong đó Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để giải thích cho Nhân dân hiểu đó là lợi ích và trách nhiệm.
- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan nhà nước, thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên và là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua khen thưởng hằng năm đối với tập thể và cá nhân cơ quan nhà nước. Thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước; tạo điều kiện và đảm bảo để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức; khi có vụ việc kéo dài, phức tạp phải tổ chức các đoàn công tác gồm đại diện cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể gặp trực tiếp để giải quyết những kiến nghị của Nhân dân theo đúng quy định của pháp luật, không để kéo dài, không đùn đẩy trách nhiệm.
Ngày 10 tháng 4 năm 2020