Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
8
0
8
3
9
Tin tức sự kiện 01 Tháng Hai 2016 2:00:00 CH

Ngăn chặn “bệnh vào từ miệng” với chuỗi thực phẩm an toàn

Gia cầm bán bán tràn lan ở các chợ tự phát trên địa bàn Q.12

Trên địa bàn Quận 12 có 1.455 cơ sở, trong đó 117 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 13 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp; 411 bếp ăn tập thể, căn tin trường học, công ty và 849 cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trong năm 2015, Quận 12 đã thành lập 12 đoàn của quận và 11 phường thanh kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP), kiểm tra được 1.109 cơ sở, phát hiện 253 cơ sở vi phạm Luật an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính, phạt các cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 127.200.000 đồng. Các lỗi vi phạm phố biến vẫn là nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm không rõ ràng; chế biến, kinh doanh thực phẩm ở môi trường ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh;  không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP…

Thực phẩm đầu nguồn chưa đảm bảo

Hầu hết thực phẩm vào đến bàn ăn đều xuất phát từ nơi nuôi, trồng… Trước tiên là ngành sản xuất nông nghiệp, rau - củ - quả của nông dân sản xuất phải được giám sát chặt chẽ để họ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, chất thúc chín, thuốc bảo quản một cách bừa bải không đúng quy định tạo nên dư lượng độc hại trên các sản phẩm; các cơ sở và hộ chăn nuôi phải được cung cấp kiến thức đầy đủ để trong quá trình chăn nuôi sử dụng hợp lý các loại thức ăn chăn nuôi, thuốc kháng sinh phòng trị bệnh, các loại thuốc tăng trọng pha chế, và xử lý triệt để đúng quy định nguồn thịt động vật chưa được quản lý, giám sát trong quá trình giết mổ, phân phối kể cả nguồn thực phẩm thủy hải sản.

Hiện nay, người tiêu dùng ở TPHCM nói chung chỉ mới tiếp cận được khoảng hơn 1/3 nguồn rau sạch. Còn thịt sạch chỉ có thể yên tâm từ nguồn thịt gia súc như heo, gà, vịt… có xuất xứ từ các lò giết mỗ tập trung được sự giám sát, kiểm dịch của cơ quan thú y. Còn lại phần lớn các loại thực phẩm tươi sống trôi nổi trên thị trường vẫn chưa thể kiểm soát được chất lượng. Một số lượng không nhỏ thịt động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn ngập ở hầu hết các nhà hàng, quán ăn, siêu thị, chợ…    

Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta hội nhập vào cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, bánh kẹo, các loại thức ăn chế biến sẵn như thịt quay, giò chả… Nhiều loại thịt động vật bán trên thị trường là thịt… “lậu”. Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Nhãn hàng và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.

Chuỗi thực phẩm an toàn bán ở 246 điểm

Hiện là mục tiêu quốc gia, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành liên quan như Y tế, nông nghiệ - phát triển nông thôn, Công thương khẩn trương thực hiện, sớm hình thành chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn. Do là chương trình trọng điểm của thành phố nên theo kế hoạch, trong tháng 12/2015, TP.HCM sẽ công bố tiêu chí, danh sách và địa chỉ của chuỗi cửa hàng này, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm an toàn. Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thì trước mắt thành phố sẽ “chọn mặt gửi vàng” ở các hệ thống phân phối như Co.opmart, Satrafood, Vissan, Sargifood… hiện có mặt trên địa bàn 24 quận huyện để triển khai. Bắt đầu từ ngày 7/12/2015, Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố 246 điểm bán hàng thực phẩm đạt chuẩn VietGAP. Nhóm các mặt hàng được đưa vào chuỗi là rau, củ, quả, thịt gia súc, thịt gia cầm đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Ở quận 12, ngoài các cửa hàng Co.opmart, Visan, Satra đã triển khai 4 cửa hàng thực phẩm sạch ở Tô Ký (phường Tân Chánh Hiệp), Lê Văn Khương (phường Thới An), Nguyễn Văn Quá (phường Đông Hưng Thuận), Nguyễn Ảnh Thủ (phường Hiệp Thành).

Tuy nhiên nguồn cung hiện không thể đủ đáp ứng đủ cho nhu cầu gần 10 triệu dân của thành phố. Thông tin từ Sở NN-PTNT, từ năm 2013 đến nay mới chỉ có 16 sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, 72 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện với tổng sản lượng hơn 37.400 tấn/năm, gồm rau quả, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy sản, nước mắm. Đã có 711 tổ chức, cá nhân sản xuất rau được chứng nhận VietGAP với sản lượng trên 40.400 tấn/năm. Với VietGAP trong chăn nuôi, cấp chứng nhận cho 742 hộ nuôi 45.000 con heo, cung ứng bình quân ra thị trường khoảng 300 con/ngày. Còn tại Công ty Vissan, để có đủ nguồn cung theo chuỗi phải có khoảng 500 con/ngày để giết mổ, bình quân mỗi tháng phải có 15.000 con. Hệ thống Co.opmart mỗi ngày cung ứng được khoảng 20 tấn heo mảnh, tương đương với 300 con và 90 tấn rau củ quả các loài. Điều này theo nhiều chuyên gia thì không thấm vào đâu so với mức tiêu thụ bình quân của người dân thành phố.

Bên cạnh các nỗ lực quyết liệt của chính quyền cùng các ngành chức năng nhằm quản lý và phân phối chuỗi thực phẩm an toàn đến với người dân, thì tình trạng “thực phẩm bẩn” vẫn đang là sự thách thức và đe dọa đến sức khỏe của người tiêu dùng. Theo Chi cục Thú y TP.HCM, từ đầu năm đến nay, qua 2 đợt kiểm tra tại 14 cơ sở giết mổ với 516 mẫu nước tiểu ở 120 lô heo đưa về lò thì có 23/120 lô với 95/516 mẫu dương tính với các chất cấm. Mặt khác, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện chất cấm trong thịt heo một cách bình thường, nguồn thịt này không chỉ bày bán ở hệ thống bán lẻ mà còn có cả ở siêu thị…

Ngăn chặn “bệnh vào từ miệng”

Thực phẩm là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng nếu thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn thì lại là nguồn lây bệnh. Thực phẩm có thể lây bệnh ở nhiều khâu từ sản xuất đến vận chuyển, bảo quản, chế biến, nấu ăn và cách ăn…

Thịt gia cầm sạch ở nơi giết mổ tập đã được kiểm dịch thú y

Đại bộ phận thực phẩm dùng trong bữa ăn hằng ngày ở nước ta đều sản xuất ở nông thôn: gạo, bắp, khoai, thịt, cá, trứng, đậu, lạc, vừng, rau, củ, quả…

Gần đây một phần do cơ chế thị trường, nhiều người chạy theo lợi nhuận, thiếu trách nhiệm và cái tâm… Lợi dụng tình hình công tác kiểm tra còn lỏng lẻo hoặc cũng có thể do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, do “điếc không sợ súng”, do thói quen làm bừa, làm ẩu nên nhiều người đã không chấp hành những quy định về sử dụng hóa chất trừ sâu, sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, các hóa chất bảo quản thực phẩm, các phụ gia cho thêm vào thực phẩm để tăng thêm màu sắc, mùi vị của các món ăn.

Các hóa chất này hoặc là các chất độc không được phép sử dụng hoặc dùng quá liều lượng cho phép đã gây ngộ độc cấp tính, hoặc mỗi ngày tích lũy lại một ít ở trong cơ thể gây ngộ độc mãn tính kéo dài… Các chuyên gia y tế cảnh báo, người tiêu dùng khi ăn thực phẩm còn tồn dư các chất độc hại có nguy cơ chóng mặt, nhức đầu, căng thẳng, nhịp tim nhanh, thậm chí tử vong nếu nồng độ tồn dư các chất còn cao hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư.

Bên cạnh ngộ độc do hóa chất kể trên, sức khỏe người tiêu dùng cũng bị đe dọa bời “thực phẩm bẩn” do thịt thối, ôi thiu bị nhiễm vi sinh vật; thịt gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh, chết… Điều đáng lo ngại là bằng mắt thường người tiêu dùng khó có thể nhận biết, phân biệt để lựa chọn thực phẩm không có chất cấm. Trong khi đó bữa ăn hàng ngày của mọi người đều phải có thịt, rau… Khi được hỏi, nhiều người nội trợ đều cho rằng: Rất khó để nhận biết đâu là thịt sạch, thịt “bẩn”.

ATTP tác động trực tiếp thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người dân. Để đảm bảo chất lượng, ATVSTP, phải đảm bảo cả chuỗi cung cấp thực phẩm từ “trang trại đến bàn ăn”, từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, đánh bắt, thu hoạch, chế biến, bảo quản và  buôn bán thực phẩm ra thị trường đến người sử dụng. Đây là cả một quá trình hoạt động trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bất kỳ mắc xích nào trong chuỗi thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ là mối đe đọa đến giống nòi.

                TRỊNH HẢI (BT)


Số lượt người xem: 2234    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày