Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
1
8
1
8
4
Tin tức sự kiện 01 Tháng Tư 2012 1:55:00 CH

Trận đánh chiếm cầu Rạch Chiếc, trận đánh oai hùng

 

    
Dọc theo xa lộ Hà Nội ra đến chân cầu Rạch Chiếc, rẽ phải chừng mươi thước, có một tấm bia màu huyết dụ, khiêm nhường nép mình dưới lùm cây ô rô, dừa nước. Tất cả được xếp đặt nghiêm ngắn trên cái doi đất vỏn vẹn hơn chục thước vuông. Bia cao chừng hai thước, hình khối cân xứng, trên đỉnh là ngôi sao năm cánh. Mặt bia trầm mặc hướng ra bến vượt vàm Rạch Chiếc, trên đó được khắc dòng chữ: Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại cầu Rạch Chiếc. Tam cấp ốp đá cẩn thận, lư hương trang trọng ở giữa, thêm dãy ghế đá bên phải sát rìa nước để những người đến viếng, thăm có chỗ nghỉ chân.
37 năm về trước, cầu Rạch Chiếc là một trong bốn cụm phòng ngự trọng yếu của địch trên tuyến Sài Gòn - Biên Hòa. Tại đây đã diễn ra trận huyết chiến giữa đặc công ta với lực lượng bảo an và thủy quân lục chiến ngụy được trang bị mạnh, có xe tăng, trực thăng và giang thuyền yểm trợ. Các đơn vị ta tham gia chiếm giữ cầu Rạch Chiếc gồm: Tiểu đoàn 81, Z22 và Z23 (Lữ đoàn 316). Trận chiến bắt đầu từ 3h ngày 28/4/1975.
Ngay lúc chiếm được hai đầu cầu, hàng chục khẩu pháo từ Nhơn Trạch, Sóng Thần và Liên trường Thủ Đức liên tục bắn cấp tập vào trận địa ta. Trên trời, từng bầy trực thăng thi nhau phóng hỏa tiễn và xả đại liên xuống các vị trí có quân ta đang chốt giữ. Khi bắt được 2 chiến sĩ đặc công, bọn địch man rợ chặt đầu các anh bêu ở gầm cầu, hòng uy hiếp tinh thần quân ta.
Vấp phải sự phản kích điên cuồng của địch, có lúc lực lượng đặc công ta bị dội ra, buộc phải lui về tuyến sau để củng cố. Thế trận giằng co vô cùng ác liệt, đến 8h 30 ngày 30/4/1975, quân ta hoàn toàn làm chủ cây cầu. Ngay sau đó, những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) đã rầm rập băng qua cây cầu sắt này tiến thẳng vào nội đô, dũng mãnh húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập… 11giờ 30, lá cờ chiến thắng tung bay trên hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.
Sau hơn 2 ngày đêm chiến đấu, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, phần lớn các anh đều vĩnh viễn nằm lại dưới vàm Rạch Chiếc. Sau chiến tranh, có rất nhiều thân nhân các gia đình liệt sĩ từ ngoài Bắc lặn lội tìm đến nơi con em mình ngã xuống. Nhiều người ngược xuôi hai đầu cầu loay hoay kiếm chỗ để thắp nén nhang… Từ nỗi đau khôn nguôi ấy, đầu năm 2006, một tấm bia đã được dựng lên ở ngay chân cầu Rạch Chiếc, trên địa bàn Quận 2, bởi tâm nguyện và công sức của đồng đội cùng những người dân rất đỗi bình thường. Họ muốn có một nơi chốn đầm ấm, tiện lợi để đón rước anh linh các liệt sĩ trong dịp lễ trọng hằng năm, đặc biệt lễ mừng chiến thắng 30/4.
Bài và ảnh: Minh Nhật

Số lượt người xem: 7699    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày